menu

17:50:01
Võ cổ truyền trong lực lượng vũ trang

Võ sư Doãn Quang Phóng

Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Trung uý CA Lâm Đồng

Bảo vệ an ninh quốc gia chính là việc tiến hành các hoạt động nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại ăm mưu và hoạt động xâm hại an ninh quốc gia trên nhiều lãnh vực, nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của một chế độ xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích khác của một quốc gia.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam luôn đồng hành với chặng đường đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm của dân tộc để bảo vệ tổ quốc. Võ cổ truyền còn được coi là võ trận. Điểm mạnh của Võ cổ truyền là dùng nhu chế cương, dùng đoản chế trường. Đặc điểm này của Võ cổ truyền phù hợp với nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang là “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.”

Trên thế giới và khu vực, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kinh tế, xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên tiếp tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước tình hình an ninh, chính trị và an toàn xã hội luôn diễn biến phức tạp như vậy nên các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ngày càng tăng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và manh động hơn, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều băng nhóm phạm tội có tổ chức.

Hiện nay tội phạm sử dụng hung khí, vũ khí gây án, sự liều lĩnh, tính côn đồ hung hãn của các đối tượng hình sự, ma tuý luôn sẵn sàng chống trả lực lượng công an khi bị truy bắt đồng thời gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng của người dân. Do đó, hơn lúc nào hết, bên cạnh sự quyết tâm và ý chí đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an thì việc luôn trau giồi nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, tập luyện quân sự, võ thuật là rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ, chủ động chế ngự đối tượng, bảo vệ an toàn tính mạng bản thân, đồng đội và của nhân dân.

Trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng công an luôn phải đối diện với các đối tượng hung hãn sử dụng vũ khí nóng, hoạt động theo kiểu băng nhóm tội phạm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ, thậm chí tước đi mạng sống của họ. Vì vậy bên cạnh việc học tập nâng cao kiến thức nghiệp vụ thì cũng đòi hỏi mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật chuyên ngành, kết hợp với Võ thuật cổ truyền, vì Võ thuật cổ truyền hiệu quả, thích hợp với các điều kiện, hoàn cảnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Lực lượng Công an nhân dân trên một khía cạnh nào đó được hình thành và phát triển từ học thuyết quân sự Việt Nam. Do phải đấu tranh chống lại kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, những lý luận ban đầu của tư duy quân sự là chiến tranh du kích, sự phát triển biện chứng của các quân binh chủng dựa trên cơ sở lực lượng chính quy và chiến tranh du kích đã hình thành các đơn vị tác chiến đặc biệt. Do đó, việc chọn lọc, kế thừa, phát huy tinh hoa Võ thuật cổ truyền Việt Nam để vận dụng vào võ thuật huấn luyện cho lực lượng vũ trang là rất cần thiết.

Năm 2009, 2010, Công an tỉnh Lâm Đồng mời Thầy Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng trực tiếp huấn luyện các khoá võ thuật nâng cao cho cán bộ, chiến sĩ phòng, ban của ngành về tự vệ cận chiến tay không, binh khí lưỡng tiết côn, đoản côn, dao găm… với các kỹ chiến thuật tấn công, phòng thủ, hoá giải, khoá khống chế, tháo gỡ, mưu sinh thoát hiểm rất hiệu quả. Buổi tổng kết khoá học, Thầy gửi gắm cho học trò của mình những tư duy sâu thẳm tự tâm hồn, thắm đượm tinh thần thượng võ Việt Nam:

- Điều thứ nhất là trong võ có đạo, đạo ở đây là đạo đức thuợng võ, đạo làm người, vì vậy người dụng võ trước tiên phải trọng võ đức, khi hành xử phải tự chủ, tự thắng chính mình để tránh được tối đa các kết quả xấu, ngoài ý muốn.

- Điều thứ hai là võ không chỉ đơn thuần là quyền cước, binh khí chiến đấu mà đỉnh cao của võ là trí tuệ, mưu lược, khôn ngoan, uyển chuyển, khi cần thì lên cao, lúc không cần thì xuống thấp, linh hoạt ẩn hiện như con rồng.

- Điều thứ ba khi cần thiết phải dụng võ để chiến đấu thì như mãnh hổ chốn rừng sâu, uy nghi, dũng cảm, cương quyết, tỉnh táo làm chủ trong mọi tình huống.

- Điều thứ tư là văn ôn võ luyện, võ là hơi thở hằng ngày, là hành trang vạn dặm, có như vậy thì quá trình tập luyện tại thao trường mới không hoài công vô ích.

- Điều thứ năm là thông điệp từ ý tưởng trong Tôn Tử Binh Pháp: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người chỉ biết ta, một được một thua; không biết người không biết ta, hễ đánh là nguy.”

 

Đà Lạt, 01/2015

D.Q.P

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 1052 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar