menu

11:44:15
VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - VIETNAM VOCOTRUYEN

Trương Văn Bảo - WFVV

Võ cổ truyền Việt Nam là môn võ truyền thống, văn hóa, lịch sử, đồng hành suốt bốn ngàn tám trăm chín mươi lăm năm cùng đất nước và dân tộc Việt Nam.

Truyền thống ấy là lấy nhân làm gốc; lấy nghĩa làm nền; lấy đạo làm kim chỉ nam; lấy đức làm điều giáo huấn. Văn hóa ấy là tinh thần uống nước nhớ nguồn; tôn sư trọng đạo. Lịch sử ấy là ngoan cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, không phản bội quê hương, tổ quốc.

Những phái võ mới pha trộn chế tác gần đây, tuổi đời còn quá trẻ, chưa qua sàng lọc của tri thức thời gian và sự phẩm định giá trị đích thực về nhiều mặt từ xã hội, chưa phải là tuổi cổ truyền.

Hình ảnh Võ cổ truyền Việt Nam là gươm Lữ Gia vấy máu Ai Vương và Cù Thị để ngăn quân bán nước; Hai Bà Trưng vung kiếm trên lưng voi đánh đuổi giặc Tô Định; Bà Triệu Trinh Nương: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối…”; là Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang; Lý Thường Kiệt, Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm, tuyên ngôn độc lập: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”; là Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên trên sông Bạch Đằng; Lê Lợi khởi nghĩa lấy Võ cổ truyền làm nền huấn luyện nghĩa quân Lam Sơn, mười năm bình định giặc Minh; Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ  huấn luyện Võ cổ truyền cho nghĩa quân Tây Sơn đánh bại quân Xiêm và đại phá quân Thanh; là tinh thần bất khuất của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trương Công Định; là Phạm Hồng Thái liều thân nơi khách địa, Lửa Lâm Thao Yên Bái cũng bùng lên; Nguyễn Thái Học cùng đồng đội đã hiên ngang, nhìn máy chém hô: “Việt Nam độc lập”, là người Việt Nam tay kiếm, tay dao, gậy tầm vông vót nhọn, đánh đuổi ngoại xâm mang độc lập tự chủ về cho tổ quốc.

Tiền nhân đã dùng Võ cổ truyền Việt Nam vào việc quân, đó là võ trận bằng cả những ý chí quật cường, tinh thần độc lập, tự chủ, hy sinh để làm nên giang sơn gấm vóc hôm nay.

Bách khoa toàn thư đúc kết, viết: “Võ cổ truyền Việt Nam dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được người Việt Nam sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong quá trình lịch sử.”

Võ cổ truyền Việt Nam có quyền thuật, binh khí, nội công, ngoại công, khí công dưỡng sinh, khí công đặc dị; có binh thư, binh pháp, trận đồ tác chiến; đã từng có các trường dạy võ của các triều đại, có võ miếu, võ kinh, võ nghệ, võ triết, võ y… và thời đại nào cũng đều nêu cao tinh thần thượng võ.

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1991, qua các kỳ Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc, các thế hệ sau đã cố công tiếp bước tiền nhân, sưu tầm, bảo lưu, tô bồi, vun đắp cho nền Võ học cổ truyền Việt Nam ngày thêm tươi sáng từ trong nước ra đến nước ngoài. Liên đoàn cũng đã có trang thông tin điện tử, đó là một trong những phương tiện truyền thông, nhưng truyền thông còn thiếu vắng nhiều tài liệu, bài viết quý giá của giới chuyên môn.

Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam thành lập ngày 8 tháng 8 năm 2015 tại thủ đô Hà Nội, sau gần một năm, Liên đoàn đã tổ chức thành công Giải Vô địch Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất từ ngày 26 đến 30 tháng 7 năm 2016 tại Nhà thi đấu Phú Thọ với 27 quốc gia, 50 đoàn tham dự. Trước đó Giải Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam cũng đã được tổ chức thành công rực rỡ vào các năm 2008, 2010, 2012, 2014.

Giữa phong trào võ thuật đa dạng và phong phú phát triển mạnh trên thế giới hiện nay nhưng vẫn có nhiều nước, nhiều môn phái, võ đường của người nước ngoài tìm về và theo học Võ cổ truyền Việt Nam. Họ tìm gì và học điều gì ở Võ cổ truyền Việt Nam? Phải chăng dấu hỏi đó thôi thúc giới chuyên môn cần nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu về Võ cổ truyền Việt Nam để trực tiếp giảng dạy hoặc qua phương tiện truyền thông, sách, báo, luận văn phổ biến rộng rãi hơn, đầy đủ hơn, khoa học chân chính hơn để một phần nào giúp Võ cổ truyền Việt Nam toả hương thơm lan khắp địa cầu.

Võ sư Trần Văn Đẩu, Võ phái Bích Quang (người đã tham dự Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993 và một số kỳ tiếp theo), từ Arlington Hoa Kỳ (nay định cư Hoa Kỳ), vào đầu năm Bính Thân 2016, gửi tặng người viết bài: “Diện mạo của bài thảo Lão Mai trong Võ cổ truyền Việt Nam”, đoạn cuối Võ sư Trần Văn Đẩu đã gửi gắm tâm tư: Với một tấm lòng đầy nhiệt huyết, người viết mong muốn Ban chuyên môn Liên đoàn (sau thành công bước đầu) nên tiếp tục chuyển mình, đào sâu hơn nữa, tìm cho ra cái (gốc Đại thụ) còn nằm ẩn trong lòng dân tộc. Hy có một tờ báo, hay một website ra đời, với một mục đích, một chủ trương rõ ràng dành riêng để thảo luận một đề tài nào đó, và mời tất cả mọi người tham gia. Mà khi có diễn đàn rồi, như mặt trời được vén mây mù, cái Chân được trả lại cái giá trị của nó, mọi thứ ma quỷ sẽ tan biến dần, mọi thứ hư danh, ngã mạn, hào quang sẽ tự động tan dần, nhường lại sự tập hợp cho một lý tưởng hướng về một môn Võ Việt trong tương lai, xứng tầm với Thế giới(trích nguyên văn).

TVB Đà Lạt

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1148 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar