01:33:53 Yến phi quyền và Empi | |
Trương Văn Bảo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng Thời gian, không gian, địa lý, hoàn cảnh xã hội của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản khác nhau, nhưng trong hai nền võ học cổ truyền Việt Nam và Karate Nhật Bản cùng có bài quyền tên là Yến phi và Empi. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này là điều thú vị khi cả hai bài quyền đều mô phỏng đặc điểm và cách chiến đấu của loài chim én bay (yến phi) theo cách riêng của môn võ mình. Nghiên cứu về loài chim én/yến, các nhà khoa học tổng hợp một số đặc điểm cho biết rằng én là loài chim nhỏ, cùng họ với chim sẻ, cánh dài, nhọn, chân ngắn, bay rất nhanh, đuôi én chẻ nhọn hình chữ v. Chim én ăn côn trùng trong không gian khi đang bay như sâu bọ, kiến, muỗi, chuồn chuồn, bướm và những loại côn trùng nhỏ khác. Én có khả năng bay liên tục trong không gian từ 12 đến 15 giờ không nghỉ, với quãng đường bay gần 400 cây số. Tiếng Anh dịch từ én/yến là “swallow”. Cùng với bài Hùng kê quyền, Võ thuật cổ truyền Việt Nam còn có bài Yến phi quyền. Đây là những bài danh quyền được giới chuyên môn nghiên cứu về võ học cho rằng Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ nhập tâm sáng tạo khi quan sát những trận thư hùng giữa các con gà đá và Yến phi quyền là của Nguyễn Huệ dựa trên các bài Thần đồng, Lão mai, Ngọc trản mà xây dựng để dùng cho nghĩa quân Tây Sơn luyện tập trong giai đoạn đầu trước khi kéo quân ra Bắc Hà đại phá quân Thanh. Tuy là loài chim nhỏ nhưng én có bản năng tự tồn đặc biệt, chiến đấu tìm sự sống, mổ bằng mỏ, vỗ đập bằng cánh, cắt lắc bằng đuôi, có sức nhanh sức bền và sức chịu đựng mà các loài khác không có được. Bài Yến phi quyền có nhiều nét độc đáo riêng, mô phỏng các động tác lướt, lách, tránh, thân pháp uyển chuyển, thủ pháp có biên độ rộng, tốc độ nhanh, linh hoạt trong các thế tấn công hay phòng ngự phù hợp với lối đánh của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Trong bài quyền có một số kỹ thuật tiêu biểu là cạnh bàn tay (cương đao), các đầu ngón tay (thủ chỉ), các ngón tay bấu lại như móng chân chim (ưng trảo) hoặc tượng hình móng cọp (hổ trảo), nắm đấm (thôi sơn), cùi chỏ (phượng dực) kết hợp với các tư thế trung bình tấn, trảo mã tấn, đinh tấn, hạ mã tấn, hạc tấn và kỹ thuật đá bay (song phi)... Lời thiệu của bài Yến phi quyền viết theo thể thơ lục bát (một câu 6, một câu 8), cũng như các bài võ cổ truyền khác, thiệu của bài Yến phi quyền cũng có một vài câu dị bản. Do quan niệm của các võ sư tiền bối là giữ lại những “bí kíp võ công”, chỉ dạy trong dòng tộc, không truyền ra ngoài nên một số bài danh quyền Võ thuật cổ truyền Việt Nam bị mai một, Yến phi quyền cũng không ngoại lệ, vì vậy hiện nay ít người tập luyện Yến phi quyền. Cố võ sư Lê Văn Vân (1954 - 2009), cựu Trưởng tràng Môn phái Bình Định Sa Long Cương đã dạy và giới thiệu rộng rãi bài Yến phi quyền bằng cách viết sách, quay phim, diễn giải cho các thế hệ môn sinh có tài liệu tham khảo tập luyện. Bài thiệu Yến phi quyền: Bước vào biến thế Yến phi Tam câu tam đả tức thì làm xong Rồi lại biến thế Thần Đồng Hồi về yến bãi chực phòng song phi Phi rồi cuốn cánh nép vi Lập thế bộ hổ hồi về Triệu Công Ví dù nó có lướt xông Thì ta biến thế Phượng hoàng một chân Bái tổ sư lập như tiền. (Tài liệu Môn phái Bình Định Sa Long Cương) Bài thiệu khác của Yến phi quyền (Én bay thảo pháp): Bước vào biến thế én bay Tam câu tam đả tức thì làm xong Rồi lại biến thế Thần Đồng Hồi về yến bãi chực phòng song phi Phi rồi cuốn cánh nép vi Lập thế bộ hổ hồi về Triệu Công Ví dù nó có lướt xông Thì ta biến thế Phượng hoàng một chân Rồi lại biến thế rồng bay Chân trước giậm đá chân sau tiếp liền Y như pháp thảo lời truyền Giữ trong nội thế để truyền hậu lai Bái tổ sư lập như tiền. (Tài liệu Võ đường Phan Thọ - Bình Định) Nhật Bản, quốc gia có truyền thống thượng võ với nhiều môn nổi tiếng trên thế giới như Judo, Kendo, Aikido, Jujitsu, Aikijujitsu, đặc biệt Karate có nhiều hệ phái lừng danh với một hệ thống quyền pháp phong phú. Trùng hợp với Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Karate Shotokan-ryu có bài quyền (Kata) Empi. Kata nghĩa là bài quyền hay khuôn mẫu, kata không phải là các động tác múa mà chính là các bài mẫu vận động chiêu thức thể hiện các nguyên lý chiến đấu trong thực tế. Empi nói lên sự chiến đấu, phản xạ tránh, né lanh lẹ của loài chim én. Trong bài có nhiều động tác bắt tóm (cầm nã) đối phương rồi quăng ra xa hoặc nhoài người phóng theo tấn công như én lượn mùa xuân, có đủ các tầm đánh thượng (jodan), trung (chudan) và hạ đẳng (gedan) uy lực, dũng mãnh. Sách, báo, phim ảnh trình chiếu về bài Empi rất nhiều, nhất là trong các giải thi đấu quốc tế, nhiều vận động viên biểu diễn và phân thế (bunkai) bài Empi rất xuất sắc. Tài liệu của các chuyên gia võ học Nhật Bản viết: “Enpi hay Empi (Yến phi - Én phi) là bài kata (quyền) của hệ phái Shotokan và cũng được các hệ phái Karate khác trên thế giới tập luyện. Empi có nghĩa là Én bay. Empi có nguồn gốc từ Okinawa của Tomari-te, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1683, được cho là có ảnh hưởng từ võ thuật Thiếu Lâm Trung quốc. Ban đầu có tên gọi là Wansu. Những năm 1920 về sau, khi đến đất liền Nhật Bản, Giáo sư Funakushi Gichin đổi tên là Empi với nỗ lực làm cho môn võ từ Okinawa trở thành môn võ mang tính truyền thống và đặc thù Nhật Bản để dễ truyền bá trong cộng đồng quốc gia. Các lý thuyết về bài kata này được chấp nhận phổ biến về sự sáng tạo và phát triển là Sappushi Wang Ji, một quan chức từ Xiuning truyền đạt khi đang phục vụ tại đảo Okinawa. Truyền thuyết kể rằng Wang Ji co thói quen ném và nhảy vào đối thủ của mình. Bởi vì các hình thức năng động của bài kata chiến đấu này giống như một con chim én bay. Những kỹ thuật chính trong bài Empi: - Tấn pháp (tachi-hô): Tấn nghiêm (heisoku-dachi), tấn chuẩn bị (hachiji-dachi), tấn trước (zenkutsu-dachi), tấn kỵ mã (kiba-dachi), hạc tấn (tsuruashi-dachi), tấn sau (kokutsu-dachi). - Kỹ thuật tay (te-waza): Đấm móc (kagi-zuki), đấm trung đẳng (seiken chudan-zuki), đấm hạ đẳng (seiken gedan-zuki), đấm liên hoàn (ren-zuki), đấm nghịch (gyaku-zuki), vật - ném - quăng (nageru). - Kỹ thuật đỡ (uke-waza): Đỡ quét hạ đẳng (gedan barai-uke), đỡ thượng đẳng từ ngoài vào trong bằng cạnh ngoài cánh tay (jodan haito-uke), đỡ trung đẳng bằng cạnh tay đứng (chudan tate shuto-uke), đỡ trung đẳng bằng cạnh bàn tay (chudan shuto-uke), đỡ trung đẳng bằng ức bàn tay (chudan teisho-uke), đỡ ép hạ đẳng bằng ức bàn tay (gedan teisho osae-uke). - Kỹ thuật chân (ashi-waza): Dùng chân giậm, đạp, chấn…(fumikomi). Võ thuật là khoa học và nghệ thuật, ẩn chứa triết lý sống sâu xa. Dù là Yến phi quyền của Võ thuật cổ truyền Việt Nam hay Empi của Karate Nhật Bản cũng đều mang thông điệp gửi cho người tập những kỹ năng, kỹ xảo và sự khôn ngoan tự nhiên của loài chim bé nhỏ: “Hãy bắt chước con chim đậu trên cành liễu yếu, nó biết cành sắp gãy, nhưng vẫn vui vẻ hót, vì biết rằng mình vẫn còn đôi cánh” (Victor Hugo 1802 - 1885) Đà Lạt, 3/2015 T.V.B | |
|
Total comments: 0 | |